56 lượt xem

Chẩn đoán điều dưỡng là gì? Mục đích và yêu cầu như thế nào

Chẩn đoán điều dưỡng là một thuật ngữ thường gặp trong các cơ sở y tế. Vậy thực tế, chẩn đoán điều dưỡng là gì và những yêu cầu liên quan đến nó như thế nào?

Bài viết dưới đây, điều dưỡng, giảng viên tại trường Cao đẳng Y Dược TPHCM khám phá chi tiết nhé!

1. Chẩn đoán điều dưỡng có nghĩa là gì?

Chẩn đoán điều dưỡng là một phần quan trọng trong quy trình chăm sóc sức khỏe, được phát triển bởi Hiệp hội Chẩn đoán Điều dưỡng Bắc Mỹ (NANDA) thành một hệ thống phân loại, hiện được nhiều quốc gia áp dụng.

Chẩn đoán điều dưỡng là quá trình đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh dựa trên thông tin thu thập từ các quan sát và nhận định của điều dưỡng. Từ đó, chẩn đoán giúp điều dưỡng xây dựng kế hoạch can thiệp và chăm sóc phù hợp.

Quá trình này đóng vai trò quan trọng trong việc:

  • Xác định vấn đề ưu tiên và thực hiện các can thiệp chính xác.
  • Xây dựng mục tiêu chăm sóc phù hợp với chất lượng yêu cầu của người bệnh.
  • Hiểu rõ cách người bệnh phản ứng với vấn đề sức khỏe hiện tại và tiềm ẩn, giúp tìm ra các biện pháp phòng ngừa hoặc giải quyết vấn đề.
  • Tạo một ngôn ngữ chung giữa các điều dưỡng viên và nhóm chăm sóc sức khỏe để dễ dàng trao đổi và hiểu biết.
  • Cung cấp cơ sở để đánh giá hiệu quả của chăm sóc điều dưỡng, giúp tối ưu hóa chi phí và cải thiện sức khỏe người bệnh.
  • Đối với sinh viên điều dưỡng, đây là công cụ quan trọng để phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chẩn đoán điều dưỡng vẫn còn nhiều tranh cãi và thiếu sự thống nhất giữa các cơ sở đào tạo và bệnh viện. Điều này đòi hỏi sự đầu tư và phát triển hơn nữa để xây dựng một hệ thống chẩn đoán điều dưỡng đồng nhất, giúp nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.

<center><em>Chẩn đoán Điều dưỡng là một phần quan trọng thuộc quy trình điều dưỡng</em></center>
Chẩn đoán Điều dưỡng là một phần quan trọng thuộc quy trình điều dưỡng

2. Yêu cầu đối với chẩn đoán điều dưỡng

Để chẩn đoán điều dưỡng đạt độ chính xác cao, nó cần phải dựa trên thông tin thu thập từ người bệnh sau khi điều dưỡng tiến hành theo dõi và thăm khám kỹ lưỡng.

Chẩn đoán điều dưỡng phải phản ánh đúng vấn đề sức khỏe mà người bệnh đang gặp phải và cần được điều dưỡng giải quyết. Khi đưa ra chẩn đoán, điều dưỡng cần chú ý các yếu tố sau:

  • Phải ngắn gọn và dễ hiểu.
  • Đảm bảo chính xác, dựa trên dữ liệu thực tế.
  • Một chẩn đoán điều dưỡng thường bao gồm ba yếu tố chính:
  • Vấn đề của người bệnh.
  • Nguyên nhân hoặc yếu tố liên quan.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng xác thực để chứng minh vấn đề đó.

3. Các loại chẩn đoán điều dưỡng

Chẩn đoán điều dưỡng có thể thay đổi tùy theo mức độ phản ứng của người bệnh với tình trạng sức khỏe. Một người bệnh có thể có nhiều chẩn đoán điều dưỡng, được xếp theo thứ tự ưu tiên.

Dựa trên tiêu chuẩn quốc tế của NANDA, có bốn loại chẩn đoán điều dưỡng chính:

Chẩn đoán nhu cầu thực tại (Actual nursing diagnosis): Đây là chẩn đoán xác định dựa trên tình trạng hiện tại của người bệnh. Loại chẩn đoán này không được coi là quan trọng hơn chẩn đoán nguy cơ. Ví dụ: Kiểu thở không hiệu quả, mệt mỏi, đau cấp…

Chẩn đoán nguy cơ (Risk nursing diagnosis): Đây là chẩn đoán chưa xảy ra nhưng có khả năng xuất hiện nếu không có can thiệp điều dưỡng. Nó thường bao gồm hai phần: nguy cơ và yếu tố nguy cơ. Ví dụ: Nguy cơ viêm, nguy cơ ngã…

Chẩn đoán thúc đẩy sức khỏe (Health Promotion nursing diagnosis): Đây là chẩn đoán dựa trên động lực và mong muốn của cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng để cải thiện sức khỏe. Loại chẩn đoán này thường chỉ gồm nhãn chẩn đoán hoặc tuyên bố một phần. Ví dụ: Sẵn sàng tự chăm sóc nhịp tim, sẵn sàng nuôi dạy con…

Chẩn đoán hội chứng (Syndrome nursing diagnosis): Đây là chẩn đoán dự đoán sẽ xảy ra dựa trên một tình huống hoặc vấn đề cụ thể. Ví dụ: Hội chứng kích thích bàng quang, hội chứng đau sau chấn thương, hội chứng suy yếu ở người cao tuổi.

4. Quá trình xây dựng chẩn đoán điều dưỡng

Quá trình chẩn đoán điều dưỡng yêu cầu điều dưỡng viên phải sử dụng tư duy phản biện và kiến thức chuyên môn vững vàng. Ngoài việc hiểu rõ các chẩn đoán điều dưỡng và ý nghĩa của chúng, điều dưỡng viên cần nhận diện các đặc điểm, hành vi đặc trưng của từng chẩn đoán, xác định các yếu tố liên quan và lựa chọn biện pháp can thiệp phù hợp. Cụ thể:

Thu thập thông tin: Điều dưỡng viên tiến hành thu thập thông tin về tình trạng người bệnh một cách có hệ thống và toàn diện.

Tổ chức và phân tích thông tin: Dựa trên các dữ liệu thu thập được, điều dưỡng viên sử dụng kiến thức chuyên môn để phân loại và tổ chức thông tin nhằm đưa ra các giải pháp hợp lý.

Đưa ra giả thuyết: Điều dưỡng viên hình dung các khả năng giải quyết vấn đề và chọn lựa phương án tối ưu nhất.

Xác định các vấn đề ưu tiên: Lựa chọn các vấn đề cấp bách cần giải quyết trước, đặc biệt là những triệu chứng và nhu cầu có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người bệnh.

Lập kế hoạch chăm sóc: Dựa trên tình trạng thực tế, điều dưỡng viên xây dựng kế hoạch can thiệp, với mục tiêu đạt được kết quả chăm sóc mong muốn.

Thực hiện kế hoạch: Tiến hành các biện pháp chăm sóc theo kế hoạch, đồng thời theo dõi và đánh giá tình trạng người bệnh để điều chỉnh khi cần thiết.

Đánh giá kết quả: Đánh giá tình trạng hiện tại của người bệnh và hiệu quả của quá trình chăm sóc, từ đó đưa ra các điều chỉnh hoặc giải pháp phù hợp.

<center><em>Học Điều dưỡng tại trường Cao đẳng Y Dược Pasteur</em></center>
Học Điều dưỡng tại trường Cao đẳng Y Dược Pasteur

5. Một số ví dụ về chẩn đoán điều dưỡng

Dưới đây là một số ví dụ về chẩn đoán điều dưỡng mà sinh viên ngành điều dưỡng/Cao đẳng điều dưỡng tphcm cần nắm rõ:

Hen phế quản

  • Khó thở do co thắt tiểu phế quản.
  • Kích thích, vật vã do thiếu khí.
  • Nguy cơ tái phát do tiếp xúc lại với dị nguyên.
  • Nguy cơ suy hô hấp mạn tính do bệnh tiến triển.

Viêm khớp dạng thấp

  • Cứng và sưng các khớp vào buổi sáng do viêm.
  • Tăng thân nhiệt do viêm khớp.
  • Nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do dùng thuốc kháng viêm kéo dài.
  • Nguy cơ tàn phế do bệnh tiến triển.

Thoái hóa khớp

  • Hạn chế vận động do đau.
  • Biến dạng chi do mọc gai xương, lệch trục hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
  • Teo cơ do ít vận động.

Xơ gan

  • Tăng thân nhiệt do nhiễm trùng.
  • Khó thở do cổ trướng.
  • Cổ trướng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
  • Chán ăn, chậm tiêu do suy tế bào gan.
  • Nguy cơ nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch và suy dinh dưỡng.

Loét dạ dày tá tràng

  • Đau do loét dạ dày tá tràng.
  • Lo lắng do sợ phải đối mặt với bệnh cấp tính.
  • Ăn kém do đau khi ăn.
  • Nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do ổ loét sâu.

Xuất huyết tiêu hóa

  • Chóng mặt do mất máu.
  • Chảy máu do loét dạ dày tá tràng.
  • Lo lắng do tình trạng bệnh cấp tính.
  • Chảy máu do viêm loét polyp trực tràng.

Thông qua các ví dụ trên, hy vọng thông tin tại Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ giúp bạn đã có cái nhìn tổng quan về chẩn đoán điều dưỡng và các tình huống cụ thể trong thực tế.