24 lượt xem

Gan nhiễm mỡ và một số phương pháp điều trị được sử dụng

Gan nhiễm mỡ cần được phát hiện và điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe người bệnh và ngăn ngừa nguy cơ viêm gan, xơ gan. Sau đây là những thông tin cơ bản về căn bệnh này và một số phương pháp điều trị phổ biến hiện nay.

Ban cố vấn truyền thông Cao đẳng Y Dược TPHCM chia sẻ thông tin về bệnh Gan nhiễm mỡ và một số phương pháp điều trị được sử dụng:

1. Một số thông tin về bệnh gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ trong gan, chiếm hơn 5% trọng lượng của gan. Bệnh có thể do nhiều yếu tố gây ra, trong đó nguyên nhân phổ biến bao gồm thói quen uống bia rượu quá mức, các bệnh lý chuyển hóa, rối loạn dinh dưỡng hoặc sử dụng thuốc không đúng cách, v.v.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết người mắc gan nhiễm mỡ không có triệu chứng rõ ràng hoặc có các triệu chứng không đặc hiệu, như mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chán ăn, v.v.

Nếu gan nhiễm mỡ không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, gây tổn thương tế bào gan và thậm chí dẫn đến viêm gan, xơ gan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và giảm chất lượng sống của người bệnh.

<center><em>Gan nhiễm mỡ có thể dẫn tới viêm gan</em></center>
Gan nhiễm mỡ có thể dẫn tới viêm gan

2. Các phương pháp chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ

Để đánh giá chức năng gan và xác định bệnh gan nhiễm mỡ, bác sĩ sẽ thăm khám các triệu chứng lâm sàng và yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng. Điều dưỡng, giảng viên Cao đẳng điều dưỡng tphcm chia sẻ cụ thể gồm:

2.1. Xét nghiệm máu

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thể được nghi ngờ nếu xét nghiệm máu cho thấy mức men gan cao hơn mức bình thường. Một số chỉ số xét nghiệm chức năng gan của bệnh nhân gan nhiễm mỡ sẽ có sự thay đổi, cụ thể như sau:

Chỉ số ALT: Enzyme ALT chủ yếu có mặt ở gan và giúp phân giải protein. Khi nồng độ enzyme này trong máu tăng, có thể cho thấy gan đang bị tổn thương. Chỉ số ALT bình thường từ 20 đến 40 UI/L.

Chỉ số AST: AST cũng là một enzyme chủ yếu ở gan. Nếu chỉ số này tăng, đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan. Chỉ số AST bình thường từ 20 đến 40 UI/L.

Chỉ số ALP: ALP không chỉ có trong gan mà còn ở ống mật và xương. Dựa vào sự thay đổi của chỉ số này, bác sĩ có thể xác định tình trạng tổn thương gan. Chỉ số ALP bình thường từ 35 đến 115 UI/L.

Chỉ số GGT: Khi gan hoặc ống mật gặp vấn đề, nồng độ GGT có thể tăng cao. Chỉ số GGT bình thường từ 3 đến 60 UI/L.

Chỉ số bilirubin: Đây là chất sản sinh từ hồng cầu bị phá vỡ và được gan loại bỏ. Nếu chỉ số bilirubin trong máu cao, có thể cho thấy gan đang gặp vấn đề và chưa thực hiện tốt chức năng của mình.

Dựa vào các chỉ số trên, bác sĩ có thể phát hiện ra nhiều vấn đề bất thường ở gan, bao gồm tình trạng gan nhiễm mỡ.

2.2. Chẩn đoán hình ảnh

Phương pháp này là một trong những cách chẩn đoán gan nhiễm mỡ phổ biến và mang lại hiệu quả cao. Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng bao gồm:

Siêu âm ổ bụng.

Siêu âm đánh giá độ đàn hồi của gan.

Chụp cộng hưởng từ (MRI).

Sinh thiết gan.

2.3. Xét nghiệm các yếu tố nguy cơ

Bên cạnh các phương pháp trên, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm khác, bao gồm:

Xét nghiệm tìm virus viêm gan: Xét nghiệm này được thực hiện để phát hiện các virus gây viêm gan như viêm gan B, viêm gan C, hoặc các bệnh lý khác liên quan đến gan.

Xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm tiểu đường,… nhằm xác định nguyên nhân cụ thể gây ra gan nhiễm mỡ và loại trừ các nguyên nhân khác như viêm gan do rượu hoặc virus.

<center><em>Bệnh nhân cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ</em></center>
Bệnh nhân cần uống thuốc theo đơn của bác sĩ

3. Điều trị gan nhiễm mỡ

Việc điều trị gan nhiễm mỡ phụ thuộc vào mức độ bệnh và nguyên nhân gây ra. Đầu tiên, cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như ngừng thuốc, giảm cân, điều trị rối loạn lipid máu hoặc kiểm soát tăng đường huyết (nếu có), và quản lý các bệnh lý nền khác.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi bệnh và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tránh các thuốc làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ.

Kiêng rượu bia và các chất kích thích, vì chúng có thể làm tổn thương gan thêm.

Kiểm soát căng thẳng bằng cách duy trì tâm lý tích cực, vì stress có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều cholesterol, chất béo và dầu mỡ. Bổ sung vitamin, khoáng chất từ rau củ quả và uống đủ nước.

Tập thể dục đều đặn: Luyện tập giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, tăng cường sức khỏe và giải tỏa căng thẳng. Nên chọn các bài tập phù hợp và không tập quá sức.

Mặc dù gan nhiễm mỡ không phải bệnh quá nguy hiểm, nhưng có thể tiến triển âm thầm và dẫn đến biến chứng nặng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, nếu có dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Nguồn: Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur